Trong một xã hội nơi con người có quá nhiều thứ cần được ưu tiên thì việc lắng nghe lại gần như trở thành một thứ xa xỉ.
Mình tự nhận là một người sống khá nội tâm. Như đa số những người sống nội tâm khác, mình thích lắng nghe. Thích lắng nghe và cũng hơi tò mò nữa. Thi thoảng đi trên đường mình hay nhìn một người bất kỳ và tự hỏi họ đang nghĩ gì trong đầu, câu chuyện của họ là gì và liệu có một ngày nào mình sẽ biết được những điều đó hay không.
Khi gặp những người bạn mới quen, gần như tất cả những gì mình làm là quan sát và lắng nghe. Mình có xu hướng chỉ muốn nói chuyện và chia sẻ với những người mình đã biết, nên sau này khi thân rồi tất cả mọi người đều bảo “ngày trước lúc mới gặp tưởng ít nói hiền lành thế nào” :)) Khi ở với hội bạn thân hay những người mình gần gũi nhất, mình cân bằng việc chia sẻ và lắng nghe hơn một chút.
Mình nghĩ việc lắng nghe không chỉ là qua đôi tai. Đấy có thể là cách dễ dàng nhất, nhưng nhiều khi lời vào tai này rồi qua tai kia thì cũng chẳng thể gọi là lắng nghe được. Mình coi việc đọc sách cũng là lắng nghe những câu chuyện của tác giả, mà ẩn trong sâu thẳm những câu chữ ấy là ước mơ hay hoài niệm của họ mà chẳng thể nào biết chắc được. Nhiều khi ngồi với nhau, trong một không gian đủ yên tĩnh, hai người chẳng nói gì nhưng có thể họ đang lắng nghe cảm xúc của đối phương. Rồi việc lắng nghe cả chính bản thân mình nữa, với mình là một trong những điều quan trọng nhất để có một tinh thần khỏe mạnh.
Mình đọc đươc một bài viết rất hay của Viet Cetera có tựa đề “Khi thế giới quá bận rộn để lắng nghe bạn“, bàn về chuyện việc lắng nghe nhau đã trở nên xa xỉ thế nào trong một thế giới bận rộn với những list công việc và ưu tiên không bao giờ hết. Trong thế giới ấy, khi người nói chẳng thể biểu đạt rõ ràng thẳng thắn hàm ý của mình và người nghe không đủ kiên nhẫn để giải mã chúng dưới áp lực của thời gian hạn hẹp, những mối quan hệ sẽ theo đó mà nhạt dần và người ta sẽ lại xa nhau thêm chút nữa. Con người có thể được kết nối với nhau theo nhiều cách nhưng đều quy lại một rễ chung là sự giao tiếp, điều mà chỉ được hình thành khi có cả hai yếu tố chia sẻ và lắng nghe.
Mình cảm giác xã hội đang có xu hướng dành trọn thời gian cho những mục tiêu lớn lao, vĩ đại và trừu tượng để rồi không còn lại giây nào cho những điều căn bản, quan trọng và cần thiết nhất trong cuộc sống. Lắng nghe là một trong những điều đang dần bị bỏ rơi ấy. Chính bản thân mình đôi khi cũng quá “bận” để dành ra vài phút ngồi với gia đình và chia sẻ về một ngày của nhau.
Sau khi đọc bài viết của Viet Cetera, mình nhận ra rằng mỗi ngày chúng ta đều có cơ hội để lắng nghe; dù chỉ là 5,10 phút giờ ăn trưa nghe đồng nghiệp chia sẻ thay vì lướt điện thoại hay ngồi lại với mẹ một lúc sau giờ ăn tối thay vì lên nhà làm việc. Đôi khi những câu chuyện, những lời chia sẻ vẫn luôn ở đấy, chỉ đợi mình ngồi xuống và lắng nghe.
Những khoảng thời gian ấy tuy không dài nhưng có lẽ sẽ là những kỷ niệm, câu chuyện đọng lại trong đầu mỗi người lâu hơn cả. Bởi khi lắng nghe là khi mình kết nối với một người trực tiếp nhất, là đôi khi nghe thấy cả tiếng lòng mình đáp lại câu chuyện của họ.
Leave a Reply