Nếu chỉ được dùng một từ để miêu tả về trải nghiệm đọc tác phẩm này, mình sẽ nói đó là một hành trình đầy “choáng ngợp” về mặt câu chữ, cảm xúc, những khái niệm và dòng chảy thời gian mà chỉ có bác Haruki mới đủ tài để kết hợp chúng một cách tài tình như thế trong tác phẩm của mình. Trước khi bắt đầu đọc những trang đầu tiên, mình lướt qua một loạt các đánh giá ở bìa sau quyển sách, và những cụm từ như “táo bạo và hay một cách thuyết phục”, “tiểu thuyết khác thường và mê hoặc nhất”, vv. đã đẩy kỳ vọng của mình lên một mức cao hơn nữa. Nhưng tuyệt làm sao, khi những kỳ vọng đó đã được thỏa mãn sau hơn 500 trang sách, và để lại dư âm đầy dai dẳng, phấn khích khiến mình trằn trọc suốt cả đêm qua.
Nội dung của Kafka bên bờ biển gồm hai tuyến truyện được kể song song và đan xen nhau , với trọng tâm của tuyến đầu tiên nằm ở việc cậu trai trẻ Kafka bỏ trốn khỏi ngôi nhà của mình để thoát khỏi lời nguyền người cha đã giáng xuống mình, rằng một ngày nào đó cậu sẽ chính tay giết chết cha mình và ngủ với mẹ mình. Hành trình chạy trốn của Kafka không quá phức tạp, nhưng cách viết của tác giả khiến mình một lần nữa trải nghiệm lại cảm giác lần đầu tiên một thân một mình, rời khỏi nơi chốn quen thuộc và dấn bước vào một thế giới bên ngoài hoàn toàn mới và khác lạ. Kafka lúc nào cũng ý thức được việc cần phải trở thành “trang thiếu niên mười lăm tuổi kiên cường nhất thế giới” với lời nhắc nhở của thằng Quạ, nhưng trái ngược với một cơ thể khỏe mạnh, rắn rỏi do tập luyện thường xuyên, tâm trí Kafka dường như vẫn luôn bối rối, hoang mang về những thứ cậu không thể kiểm soát. Mình nhìn thấy bản thân trong Kafka ở khá nhiều đoạn, và đó là điều mình đánh giá cao nhất ở tác phẩm này – một tác phẩm có khả năng giúp người đọc soi chiếu bản thân và nhìn thấy mình trong những câu chữ.
Mình đọc những trang cuối của quyển sách vào tối ngày hôm qua, và khi lên giường đi ngủ bỗng mọi kỷ niệm, ký ức về thời đi du học ùa về trong tâm trí mình. Những lần đi chợ sau khi tan làm, cầm lên và đặt xuống từng quả cam, bó lơ sao cho lát vẫn dư dả để lấy thêm một túi snack ăn những lúc buồn miệng, chọn chuyến xe buýt với lộ trình ngoằn ngoèo nhưng cho mình cơ hội ngắm nhìn cảnh vật trên những con phố thưa người và xe cộ, quãng đường leo dốc đi bộ về nhà lúc nào cũng rợp lá và những tối một mình trong căn phòng chưa đầy 10 mét vuông, thả hồn vào những điều tưởng như không thực. Cũng tại Phần mà mình bắt đầu tìm đến sách, vì khi khoảng trống trong mình lớn dần mà bản thân chẳng tìm nổi căn nguyên tại sao, thì lấp đầy cái hố đó bằng những con chữ xem ra là cách khả thi nhất.
Ở tuyến truyện kể còn lại, nhân vật Nakata sau khi trải qua một biến cố kỳ lạ lúc nhỏ giờ đây trở thành một người không biết đọc, viết; sống nhờ vào trợ cấp của xã hội. Điểm duy nhất ông có hơn người là khả năng trò chuyện với loài mèo, và một lối sống đơn giản, bình dị đến lạ. Trong hành trình đi tìm một con mèo bị lạc, Nakata một lần nữa gặp biến cố và cuộc đời với lối sống giản đơn, thong thả kia đã hoàn toàn bị xáo trộn. Điều làm mình ấn tượng khi các chương của hai tuyến truyện được viết đan xen là sự nổi bật của hai cá thể với tuổi tác, tính cách và hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau, và sự tò mò mỗi lúc một tăng khi không biết con đường của hai nhân vật này sẽ giao nhau tại đâu và vào thời điểm nào. Và rồi, hành trình Nakata đi tìm một thứ mà chỉ khi thấy nó rồi ông mới biết đó là thứ mình cần tìm và hành trình chạy trốn lời nguyền của Kafka khi giao nhau đã tạo ra một loạt tình huống siêu thực, những diễn biến dồn dập nối tiếp nhau bẻ lái câu chuyện theo hướng không ngờ.
Đọc Kafka bên bờ biển nói riêng hay tác phẩm của bác Haruki Murakami nói chung, có một điểm đặc biệt lý thú, đó là ta sẽ chẳng bao giờ hiểu hết những gì ta muốn hiểu. Sẽ luôn có một chi tiết nào đó, một câu nói nào đó mà ta sẽ mãi băn khoăn, nghiền ngẫm, và cuối cùng là chấp nhận đợi chờ câu trả lời tự nhiên sẽ đến, nếu nó có thể. Tác giả đã từng chia sẻ trong một lần trả lời câu hỏi của độc giả, rằng “bí quyết để hiểu tác phẩm này nằm ở chỗ đọc nó nhiều lần”, điều mà mình tin là đúng, và cũng đáng. Mình sẽ còn đọc Kafka bên bờ biển thêm nhiều lần nữa, đó là điều chắc chắn, và bên cạnh mong muốn có thể hiểu thêm dù chỉ một chút những điều còn dang dở, thì mình còn mong có thể trải nghiệm lại những cảm xúc khi đọc tác phẩm và soi chiếu bản thân trong đó, xem liệu rằng bản thân đã thay đổi thế nào qua những khoảng thời gian và không gian vô cùng.
Leave a Reply