Những chuyện đó đây p.4

  1. Chuyện đầu tiên

Sự đa dạng trong cách xưng hô của tiếng Việt là một đề tài không bao giờ cũ. Tùy vào xuất thân, hoàn cảnh, độ tuổi, cấp bậc trong gia đình hay xã hội mà một người sở hữu sẽ tồn tại những cách xưng hô khác nhau. Đơn cử như chuyện một đôi vợ chồng những ngày còn thương thì có thể đi từ anh-em đến bà xã-ông xã hay vợ yêu-chồng yêu, ấy vậy mà chỉ cần một cơn giông đã có khả năng biến đại từ xưng hô thành tôi-cô/anh hay nặng hơn thì tao-mày. 

Hôm trước mình có việc phải đi Grab, đặt xe xong là tài xế gọi liền. Mình nhận điện thoại xưng em-anh như cách vẫn xưng hô ngoài xã hội, đủ ý thức là bản thân cũng đã nằm ở quãng giữa 20 và chỉ còn khả năng xưng cháu với những người tầm tuổi ông bà mình hay bạn bè của bố mẹ. Ấy vậy mà lên xe thì thấy bác tài xế đáng tuổi ông mình thật. Mình vội vàng chuyển qua xưng cháu-chú, dạ vâng đầu câu và ạ cuối câu đầy đủ. Ấy vậy nhưng chú tài xế vẫn nhất quyết giữ cách xưng hô như lúc gọi điện, thành ra một bên vẫn anh-em một bên thì cháu-chú, kéo dài cuộc hội thoại gượng gập lúc có lúc không trên đường đi. 

  1. Chuyện thứ hai

Hôm rồi mình mang quyển “Dốc hết trái tim” của CEO Starbucks đến chỗ làm, chị đồng nghiệp ngồi cạnh liếc qua và có lẽ bị thu hút với bìa sách đỏ rực, chỉ tay bảo: “V, cho chị mượn xem thử cuốn Bốc phét trái tim kia với.” Mình không nhịn nổi cười, tay cầm sách đưa chị rồi bảo “Là Dốc hết trái tim chị ơi, tên sách hay thế mà chị biến tấu đi của em :))” Đồng nghiệp xung quanh cũng hùa vô trêu, bảo cái tên sách tâm huyết vầy mà em nhìn sao ra được cái từ “bốc phét” cũng hay. 

Cơ mà ngồi nghĩ lại, “dốc hết trái tim” và “bốc phét trái tim” chính là nằm ở hai đầu ngược lại của sợi dây tình cảm ấy nhỉ. Làm bất kể việc gì mà dốc hết trái tim mình vô cũng là điều tuyệt vời, trong chuyện tình cảm cũng không ngoại lệ. Ở đầu bên kia thì việc “bốc phét” tình cảm của mình có lẽ là đau lòng và đáng trách nhất, dù cho lý do là gì chăng nữa. 

  1. Chuyện thứ ba

Mình không phải đứa hay đi ăn ngoài, đúng hơn là số lần ăn ngoài trong một năm có thể đếm trên đầu ngón tay được. Kiến thức về các hàng quán, tụ điểm vui chơi của giới trẻ cũng vì vậy mà thường xuyên lỗi thời so với mọi người. Những quán mình thích có khi đến thời điểm ấy đã không còn món tủ đặc trưng nữa, đã xuống cấp cả về chất lượng đồ ăn lẫn phục vụ, hay đau lòng hơn là đã chuyển cơ sở hoặc đóng cửa. Họa hoằn lắm có một, hai quán mình ăn từ gần 10 năm trước đến giờ vẫn giữ nguyên địa điểm, chất lượng đồ ăn và cung cách phục vụ; ấy nhưng những chỗ đấy thì không mới, không nổi nữa nên cũng ít khi rủ được bạn bè, đồng nghiệp đi ăn cùng. 

Mà nghĩ, nhiều khi thứ giữ chân mình lại lâu đến thế ở một quán ăn, một tiệm đồ uống không phải vì món chính ở đó. Ví dụ như mình thích Pizza 4P’s chủ yếu là vì món nước soda chanh được phục vụ với từng nguyên liệu để riêng chứ không phải pha sẵn, cộng với việc nhân viên tận tình hướng dẫn khách cách tự pha 1 ly soda chanh phù hợp khẩu vị. Hay như mình từng rất thích quán Lẩu Phát trên đường Bà Triệu, âu cũng chỉ vì họ có món khoai lang kén ăn kèm cực đỉnh mà mỗi lần đến mình đều phải gọi, trong khi lẩu ăn cũng bình thường như bao quán khác. 

Nghĩ nhiều khi cũng thấy mình lạ đời, nhưng ngẫm thêm xíu nữa thì cũng thấy hay ho ra phết. Những món ăn, đồ uống tưởng chừng như chẳng ảnh hưởng mấy đến chất lượng của nhà hàng nhiều khi lại chính là điều níu giữ thực khách ở lại. Người ta thường bắt chước nhau ở cái điểm dễ bắt chước nhất, cái điểm dễ nhìn thấy nhất; nên việc các quán có những tô bún, bánh pizza hay cốc trà sữa vị khó mà phân biệt được với nhau âu cũng là điều dễ hiểu. Nhưng những ly soda chanh hay đĩa khoai lang kén ấy, mấy ai bỏ công mà tìm hiểu rồi bắt chước, lại chính là điểm bắt đầu của sự khác biệt. 

  1. Chuyện thứ tư

Việc xác định một sự kiện, tình huống nào đó xảy ra trong cuộc sống của mỗi chúng ta là tình cờ hay định mệnh khó hơn chúng ta tưởng. Tương tự với đó là việc xác định xem sự kiện, tình huống đó xảy ra là điều không thể tránh khỏi dù ta có thay đổi bất kỳ chi tiết nào trong quá khứ hay nếu như chỉ cần 1 yếu tố nhỏ nhất mất đi thì tương lai đáng lẽ đã rẽ sang một hướng đi hoàn toàn khác. 

Mình có đọc được một luận điểm, rằng con người ta chỉ sống 1 lần, chính vì thế cuộc sống chính là một chuỗi khám phá và trải nghiệm tất cả mọi thứ lần đầu tiên, và cũng là lần cuối cùng. Bạn không thể biết lựa chọn hay hành động của mình tại một thời điểm là tốt hay xấu, vì bạn không có gì để so sánh và đối chiếu. Bạn cũng không thể biết nếu mình làm khác đi như thế này, không làm như thế kia thì liệu mọi chuyện có tốt hơn hay xấu đi không. Tất cả những gì mỗi chúng ta có thể làm trong hoàn cảnh ấy là cố gắng đưa ra quyết định hợp lý nhất mà thôi. 

Đối với cá nhân mình, điều đó vừa đáng mừng vừa đáng ngại. Mừng vì ta sẽ không phải hối tiếc những lựa chọn đáng lẽ ra sẽ tốt hơn, còn ngại vì với những cá nhân hay nghĩ nhiều và đôi khi chìm hơi sâu vào những dòng tư tưởng như mình thì vẫn sẽ tự đưa bản thân quay lại những khoảnh khắc đưa ra lựa chọn trong quá khứ, phân tích chán chê, suy diễn đủ chiều để rồi cái câu hỏi to nhất vẫn nằm nguyên trong đầu “Lúc đấy làm thế đã phải chưa nhỉ?”

Photo by Laura Chouette on Unsplash

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

%d bloggers like this: