Xuyên suốt Giết con chim nhại là hành trình lớn lên của Scout Finch – một bé gái gần sáu tuổi sống cùng cậu anh trai Jem sắp lên mười, bố Atticus và người đầu bếp của họ. Cuộc sống của gia đình nhà Finch ban đầu được miêu tả chủ yếu qua những tháng ngày Scout và Jem cùng nhau dành kỳ nghỉ hè khám phá đủ thứ trò chơi và vẽ nên những kế hoạch mạo hiểm để thỏa trí tò mò về người hàng xóm kỳ lạ của chúng.
Đến lúc Scout đủ tuổi tới trường, câu chuyện được mở rộng ra khi những sự kiện với cô giáo hay bạn cùng lớp bắt đầu khiến cô bé đặt câu hỏi về sự khác nhau giữa những gì trước giờ bố Atticus đã chỉ dạy cho mình và những điều cô được dạy trên lớp. Cao trào của tác phẩm nằm ở vụ kiện mà ở đó bố Atticus biện hộ cho một người da đen trước tội cưỡng hiếp một cô gái da trắng và Scout cùng tất cả mọi người ở thị trấn Maycomb dù muốn hay không đều tham gia theo cách riêng của họ.
Hành trình lớn lên của Scout được khắc họa rõ nét không chỉ qua dòng sự kiện kể trên mà còn qua những bài học cô bé nhận được từ bố Atticus. Trong mỗi sự kiện xảy ra hầu như đều có một điểm khiến Scout hoặc thắc mắc rồi tự nhủ sẽ về hỏi lại bố Atticus sau, hoặc vấp phải những sự cố mà chỉ bố Atticus với cách ân cần giải thích của ông mới khiến cô bé chịu yên.
Cũng có những lúc Scout học được từ bố Atticus không phải qua những lần trò chuyện tâm sự mà từ cách ông ứng xử với người làm trong gia đình, hàng xóm và những người chẳng ưa gì ông. Một trong những chi tiết thể hiện kết quả quá trình giáo dục của bố Atticus rõ ràng nhất, theo mình, là khi Jem và Scout tranh luận về việc trên đời này có bao nhiêu loại người
– Không, Jem, em nghĩ chỉ có một hạng người. Đó là người.
– Anh cũng nghĩ y như vậy, khi anh bằng tuổi em. Nếu chỉ có một hạng người, tại sao mọi người không thân thiện được với nhau? Nếu tất cả là giống nhau, tại sao họ lại mất công coi thường nhau?
Chính cuộc tranh luận ấy đã khiến mình có suy nghĩ rằng có lẽ cái tốt nhất cha mẹ có thể cho con cái là cách tư duy, nhìn nhận cuộc sống và cách đặt câu hỏi cho những điều chưa hợp lý.
Bố Atticus là người luôn biết rõ điều gì nên làm trong mọi hoàn cảnh và dù ở trong những tình huống éo le nhất ông vẫn giữ vững được hệ giá trị mình theo đuổi. Tuy nhiên điều khiến mình ngưỡng mộ và tôn trọng ông là việc ông nhận thức được rằng không có gì là lý tưởng, tuyệt đối hay hoàn hảo trong cuộc sống và đôi khi biết thỏa hiệp và không cứng nhắc áp đặt hệ giá trị mình tin tưởng và theo đuổi vào mọi hoàn cảnh mới là điều nên làm.
Trái ngược hẳn với người cha của Zezé trong “Cây cam ngọt của tôi”, bố Atticus là người mà mình mong tất cả mọi đứa trẻ trên thế giới đều có thể trở thành con của ông, để chúng được nuôi dưỡng và giáo dục theo cách rất thực tế nhưng vẫn nhân văn, từ đó tự xây dựng được cho bản thân góc nhìn và cách tiếp cận cuộc sống riêng dựa trên nền tảng hệ giá trị của riêng chúng, để rồi lớn lên trở thành những người có chính kiến và biết đứng lên bảo vệ cho quan điểm của mình.
Mình vốn e dè những tác phẩm được gắn mác “kinh điển”, một phần vì nó cho mình ấn tượng rằng để hiểu được hết cái hay trong tác phẩm đòi hỏi người đọc sở hữu góc nhìn có chiều sâu nhất định; phần vì nếu đọc mà không cảm được ta sẽ thấy mình đi ngược lại với số đông đã ghi nhận thành công của tác phẩm – một cảm giác không đáng sợ nhưng cũng chẳng dễ chịu gì.
Giết con chim nhại giúp mình bỏ được những lăn tăn đó nhờ cốt truyện rõ ràng và đơn giản khi được kể dưới góc nhìn của trẻ con, và chính sự đối lập giữa lối kể chuyện đơn giản ấy với những bài học có chiều sâu đã giúp tác phẩm thêm phần nổi bật. Ở lần này mình cũng đồng tình với số đông – tác phẩm này hoàn toàn xứng đáng trở nên kinh điển.
Leave a Reply