Không biết các bạn đọc khác thế nào chứ mình sau khi gấp lại quyển sách thì suy nghĩ đầu tiên là vậy đấy: cần làm gì và làm thế nào, để có đủ khả năng thực hiện một ‘ăn, cầu nguyện, yêu’ của bản thân trong đời?
Lý do đầu tiên cho mong muốn trên là vì trong quá trình đọc mình tâm đắc nhất mấy đoạn tác giả viết về những cụm từ hay câu nói đặc trưng của địa phương hay vùng đất cô đang ở, từ cách cô khám phá ra chúng, ý nghĩa của chúng là gì đến việc những từ vựng mới đó đã thay đổi cô ra sao.
Ôi mình yêu điều đó ghê gớm, việc tìm hiểu một ngôn ngữ mới và biết được những (cụm) từ mà chỉ ngôn ngữ đó mới có. Kể ra có thành ngữ Bel far niente nghĩa là “cái đẹp của không làm gì cả” trong tiếng Ý, với lý tưởng đằng sau nó rằng “cái đẹp của không làm gì cả là mục đích của tất cả công việc của ta, là thành tựu cuối cùng mà nhờ nó ta được chúc tụng nhiều nhất”; Antevasin nghĩa là “người sống ở biên giới” trong tiếng Phạn, là người sống trong tầm mắt thấy của cả hai thế giới y đã biết và chưa biết, hướng về cái chưa biết và luôn trong trạng thái học hỏi; Attraversiamo – “cùng băng qua nào” cũng trong tiếng Ý; vv. Mình cảm giác ngôn ngữ là một phương thức giúp mở rộng góc nhìn của bản thân về thế giới, nghĩa là càng biết nhiều ngôn ngữ ta sẽ càng thấy được một thế giới rộng lớn, đa chiều và nhiều màu sắc hơn; và tác phẩm này như nhấn mạnh thêm điều đó.
Tiếp đến là những bài học, những thứ căn bản, cốt lõi trong cuộc sống mà có lẽ sẽ khó giác ngộ ra hơn nếu cuộc sống bộn bề phức tạp cứ quấn lấy mình hàng ngày. Những bài học Elizabeth rút ra được trên suốt hành trình trải nghiệm một năm của cô khi đọc qua mình có thể gật gù tâm đắc vậy đấy, nhưng để mà thực sự hiểu trọn vẹn và để chúng có thể tác động được bản thân ở hiện tại thì có lẽ là một chuyện khác. Không phải chuyện gì cũng cần trực tiếp trải nghiệm, nhưng những trải nghiệm thường luôn cho mình những bài học nhớ đời nhất. Riêng với bản thân mình, bài học về sự kiểm soát tạo ấn tượng sâu sắc bởi lẽ nó cũng chính là thứ mình đang vật lộn với mỗi ngày.
Con người không hoàn toàn là con rối của thần thánh, cũng không hoàn toàn là thuyền trưởng của định mệnh mình; anh ta là một chút của cả hai. Chúng ta phi nước đại qua đời sống mình như những người trình diễn xiếc đứng thăng bằng trên hai con ngựa đang phóng cạnh nhau – một chân trên một con ngựa “số phận”, còn chân kia trên con ngựa “tự do ý chí”. Và câu hỏi ta phải hỏi mỗi ngày là – con ngựa nào là số phận và con ngựa nào là tự do ý chí? Ta cần phải thôi lo lắng về con ngựa nào vì nó không dưới sự kiểm soát của ta, và con ngựa nào ta cần hướng dẫn với nỗ lực tập trung?
Và rồi, sống từng ngày với ưu tiên hàng đầu là tận hưởng và trải nghiệm cuộc sống, sẽ thế nào? Khi đọc đến đoạn tác giả lần đầu tiên trong đời nhận ra rằng cô đang được sống những tháng ngày mà tất cả những gì cần hỏi bản thân mỗi ngày là “Hôm nay mi muốn thưởng thức cái gì hả Liz? Cái gì có thể đem lại niềm vui cho mi ngay lúc này?”, bỗng trong mình dậy lên một cảm xúc pha lẫn của ngưỡng mộ, tủi thân và quyết tâm. Rõ ràng là cuộc sống hiện tại của mình ổn, nếu không muốn nói là còn đáng mơ ước ở một số mặt; và cũng rõ ràng không kém là những ngày mình đặt được câu hỏi như trên cho bản thân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mình yêu và trân trọng việc được làm việc và cống hiến mỗi ngày, nhưng viễn cảnh về một khoảng thời gian mà không cần phải cân nhắc hay lo nghĩ đến chương trình của người khác hoặc bất kỳ nghĩa vụ nào vẫn khiến mình rạo rực và háo hức khi nghĩ về.
Còn nhiều lắm những phần được đánh dấu, gạch chân và ghi chú trong quyển sách này nhưng viết ra hết cũng chẳng hay, giống như nhận xét một bộ phim mà spoil hết tình tiết. Hãy cứ thử đọc. Vì trải nghiệm của tác giả trải dài xuyên suốt ba đất nước với ba nền văn hóa rất khác nhau nên mình nghĩ ít nhất ai cũng sẽ tìm được một phần mà mình yêu thích hơn cả (mình vẫn đang phân vân giữa Ý và Bali) và sẽ bắt được một câu chuyện nào đó có thể đồng điệu cùng tác giả, bởi những điều cô trăn trở trước và trong cuộc hành trình này cũng ít nhiều là những điều mỗi người bận tâm hay suy tư trong cuộc sống của mình.
“Bởi ta là con người…” (Nếu biết trăm năm là hữu hạn)
Leave a Reply