Trước tiên phải nói là câu tagline ‘Những bí mật về tham vọng, sự thịnh vượng và hạnh phúc’ làm mình lập tức liên tưởng đến dòng sách kinh tế tài chính với những bí quyết (hay đôi khi là cả mánh khóe) và phương pháp mà tác giả của chúng quả quyết là sẽ giúp ai đọc xong quyển sách kiếm được nhiều tiền hơn, giàu có hơn, thành công hơn. vv. Và mình thì dị ứng thể loại đó. Tuy vậy phần giới thiệu ở bìa sau đã giúp kéo lại thiện cảm khi chỉ ra được điểm khác ở quyển sách này – nó không chứa đầy rổ checklist những gì bạn cần làm để có nhiều tiền hơn, mà thay vào đó chỉ là chia sẻ những cách mọi người nghĩ về tiền và lý giải vì sao lại như vậy (thế rồi cũng vẫn đi kèm theo đó là đúc kết bạn cần làm gì, nhưng để bàn sau đi).
Ấn tượng đầu tiên là sách dễ đọc, các chương được chia rõ ràng với mỗi chương bàn về một chủ đề nhỏ liên quan đến cách con người nhận thức, quản lý hay sử dụng tiền. Tác giả cũng thường mở đầu bằng những ví dụ cụ thể về những trường hợp có thật và bằng cách đó dẫn dắt người đọc đi vào câu chuyện tâm lý đằng sau đó mượt mà hơn.
Ví dụ như trong chương 3 “Không bao giờ là đủ”, Housel kể câu chuyện về triệu phú Rajat Gupta khát khao trở thành tỷ phú đến mức bất chấp và liều lĩnh với tất cả những gì ông sở hữu để rồi cả sự nghiệp và danh tiếng bị hủy hoại hoàn toàn, và chưa cần đọc thêm thì đến đó mình cũng nhìn ra được một sự thật: lòng tham sẽ luôn ở đó, dù một người sở hữu những gì và bao nhiêu đi chăng nữa. Vấn đề là cần tỉnh táo để nhận biết cái gì là thực sự cần và quan trọng, và khi nào là đủ.
Không có lý do gì phải đánh liều điều bạn có và cần cho điều bạn không có và không cần đến.
Warren Buffet
Ấn tượng tiếp theo về quyển sách này nằm ờ việc nó thực sự mang lại cho mình cảm giác được nghe giảng về tâm lý trong tài chính thay vì nhận được một danh sách những điều “tác giả nghĩ bạn nên làm” và sự lặp lại của những kiểu câu mệnh lệnh như trong một số đầu sách khác.
Cụ thể hơn, nghe giảng là mình được chỉ cho cách tiếp cận vấn đề, cách đào sâu vào bối cảnh và lý do thay vì đơn giản quan sát sự kiện trên bề mặt, và cách đặt câu hỏi cho bản thân để tự tìm ra hướng đi phù hợp nhất. Như có nhắc đến ở phần đầu, trong sách thi thoảng vẫn có những phần “bạn nên”, nhưng ít nhất mình không thấy bị ngợp vì tần suất xuất hiện không quá dày đặc, và cũng vì trước đó đa phần tác giả đã cung cấp đủ luận điểm để phần nào thuyết phục người đọc rồi.
Một điểm nữa mình thấy hay ở đây là sau khi đọc xong, bên cạnh việc có được thêm kiến thức và hiểu biết về mảng tâm lý tài chính, mình còn biết được thêm một điều quan trọng khác: cách con người ứng xử với những vấn đề liên quan đến tài chính hay tiền bạc, thực ra không có gì khác biệt mà cũng rất con người thôi. Nghĩa là cũng có những lúc để cảm xúc và ham muốn lấn át lý trí, những khi tin vào trực giác hơn phân tích của chuyên gia (hợp lý hơn có lý), bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông hay thiên kiến xác nhận, vv. Và một trong những điều đầu tiên “bạn nên” tập làm là hiểu và chấp nhận điều đó.
Để tổng kết lại thì Tâm lý học về tiền với mình là một cuốn sách hay, dễ đọc dễ hiểu, và nên được đọc càng sớm càng tốt.
Một cuốn khác bàn về chủ đề tiền mà mình cũng thấy rất hay – Tiền không mua được gì? (What money can’t buy?). Bạn có thể tham khảo review mình viết ở đây (note: mình đọc bản gốc nên thành ra cũng viết review bằng Tiếng Anh luôn).
Ảnh bìa của Mathieu Stern trên Unsplash
Leave a Reply