Tìm lại cái vô tư hồn nhiên thuở bé

Có một câu hỏi thi thoảng lại len vào giữa những dòng suy nghĩ của mình, rằng “Sao tụi con nít vô tư hồn nhiên được nhỉ?”

Mỗi lần như thế luôn có hai câu trả lời nảy ra gần như tức thì trong một góc nào đó của cái bộ óc nghĩ quá nhiều, là hoặc tụi nó còn chưa biết nhiều về thế giới nên nhìn mọi thứ còn đơn giản không phức tạp, hoặc vì chưa đủ va chạm trong đời sống nên mấy cái định kiến hay đánh giá từ người khác chưa có xâm nhập được vô đầu tụi nhỏ. Nhưng mình chưa bao giờ hài lòng với câu trả lời đấy, chẳng phải vì nó chưa đủ đúng sai hay thế nào mà chỉ vì nếu đó là câu trả lời thì nghĩa là sau khi trưởng thành và là người lớn rồi thìkhông còn vô tư hồn nhiên được nữa. Mà vậy thì không có đúng. Thế nên tận dụng việc có bộ óc luôn nghĩ quá nhiều, mình nghĩ tiếp nghĩ hoài về câu hỏi đấy, lật qua lại trong đầu không biết bao lần, đến hôm nay thì nảy ra thêm một câu trả lời tiềm năng thứ ba.

Là vì tụi con nít, tụi nó tự tin với hiểu biết của mình.

Chọn đại một đứa con nít nào đó và hỏi bất kỳ chuyện gì, thường người ta sẽ nhận được một câu trả lời đơn giản nhiều khi đến mức ngây ngô, có thể đúng hoặc sai. Nhưng câu trả lời đó sẽ được đưa ra một cách rất tự tin, như một chuyện hiển nhiên giống mặt trời mọc vào buổi sáng và lặn vào giờ chiều vậy. Vấn đề không phải nằm ở việc một đứa trẻ hiểu biết bao nhiêu mà là ở cách chúng nhận định về những hiểu biết của mình – tự tin và không nghi ngờ bản thân.

Để mà lấy ví dụ thì chúng ta có thể chọn một cuốn truyện trong series truyện tuổi thơ của bác Nguyễn Nhật Ánh mà đọc thử một vài chương, sẽ thấy ngay cái hồn nhiên vô tư được thể hiện rõ nét trong câu chuyện của tụi con nít. Như trong Làm bạn với bầu trời, thằng Tèo quả quyết mỗi lần trời mưa thì hạt mưa đầu tiên luôn rơi trúng ngón cái bàn chân trái của nó, và trong khi là một người lớn ta thừa biết sự thật không phải vậy nhưng khi một đứa con nít khẳng định chắc nịch điều đó với ta thì ta lại nghĩ, biết đâu đấy, có thể nó đúng với thằng nhỏ thật.

Thế nên biết đâu đấy, khi một người tự tin với những gì mình hiểu về thế giới xung quanh và về cả chính bản thân mình, lẽ nhiều họ sẽ có thể sống hồn nhiên vô tư được. Như trong cuốn Thinking, fast and slow cũng có viết rằng mức độ tự tin của một người phụ thuộc vào những gì họ nhận thức được và hiểu về thế giới nó mạch lạc đến đâu trong đầu họ. Vậy là cũng khớp với việc tụi con nít suy nghĩ đơn giản, mọi chuyện xảy ra xung quanh tụi nhỏ luôn được lọc qua lăng kính đó và trở nên dễ hiểu hơn trong mắt chúng. Quay lại với thằng Tèo, từ khi bị ngã gãy chân thì hạt mưa đầu tiên không còn rơi trúng ngón cái bàn chân trái của nó nữa, nhưng không vì thế mà thế giới trong mắt nó bớt rõ ràng hơn. Một “sự thật” khác mà thằng Tèo cũng quả quyết không kém là “thời nào cũng có tiên, chỉ có điều mình không nhìn thấy đó thôi” và nó lấy luôn việc nó té xuống suối mà không bị đập đầu là do “chính mấy cô tiên đã xúm lại đỡ cái đầu em, không cho va vào đá.”

Nhưng thôi, tụi con nít được quyền vô tư hồn nhiên vậy vì tụi nó còn nhỏ, chứ mình là người lớn, phải thực tế chứ. Lớn rồi, ra ngoài va vấp từng trải thì nhìn ra được bản chất của nhiều thứ hơn, rồi cũng biết là cô tiên hay ông già Nô-en không có thật, thì lúc đó vô tư hồn nhiên thế nào được nữa. Nhưng mà, sao biết cô tiên và ông già Nô-en không có thật? Có thể như thằng Tèo nói đó, thời nào cũng có chỉ có điều mình không nhìn thấy đó thôi. Cũng giống như trong phim Rise of the Guardians, chỉ những người còn tin vào ông già Nô-en, cô tiên răng hay Thỏ Phục Sinh mới nhìn thấy họ.

Làm người lớn nếu muốn vẫn vô tư hồn nhiên trở lại được, nếu muốn. Mình nghĩ vậy, và muốn tin như vậy. Niềm tin bên cạnh việc được củng cố bằng những dẫn chứng khoa học thì luôn có một phần thuộc về lựa chọn của mỗi người, rằng mình muốn tin vào điều gì. Đối với mình thì tin vào cô tiên hay ông già Nô-en cũng không khác tin vào Phật hay Chúa, mục đích của cả hai việc đó đều là để củng cố nhận thức và hiểu biết của mỗi cá nhân về thế giới. Khi hạt mưa đầu tiên rơi trúng ngón cái bàn chân trái của mình thì đó có thể là do ông trời, Chúa hay cô tiên đặt vào; không quan trọng là ai mà quan trọng là mình tin. 

Vô tư hay hồn nhiên ở tuổi trưởng thành tất nhiên sẽ khác khi còn nhỏ, vì khi lớn ta biết nhiều hơn và có ý thức hơn về những suy nghĩ và nhận thức của mình; khi đó, ta có thể chủ động chọn sống vô tư hồn nhiên với chừng mực vừa đủ và biết cách làm sao để vẫn sống thực tế và có thường thức cùng lúc. Mình nghĩ đó là một bài học lớn cần được học trên con đường học làm người trưởng thành, để tìm lại cái vô tư hồn nhiên của thuở bé nhưng đón nhận nó với tâm thế chủ động hơn, để ta vẫn là ta đang từng ngày thêm hiểu biết, tiếp tục khám phá thế giới – một cách vô tư và hồn nhiên. 

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

%d bloggers like this: