You could call this selfhood many things. Transformation. Metamorphosis. Falsity. Betrayal.
I call it an education.
Mình mua cuốn Educated bản gốc vào sinh nhật lần thứ 26, hơn một tháng trước, trong lúc dạo giữa các quầy sách ngoại văn của Fahasa. Vốn không có ý định mua gì và cũng đã mang đủ sách để đọc ra Hà Nội, nhưng lúc đó một suy nghĩ nảy ra trong đầu “ê, đọc Educated để mở đầu một tuổi mới tiếp tục keep myself educated cũng hay ho đấy” đã đủ để mình mang cuốn sách ra quầy thanh toán. Mình tạm ngưng đọc các cuốn còn đang dở dang, lật trang đầu tiên của Educated vào lúc mình 26 tuổi 1 ngày và khép lại trang cuối vào một tối Chủ Nhật hai tuần sau đó. Và giờ mình ngồi viết về một quyển sách đã dạy cho mình những bài học “chạm” nhất.
Trước giờ mình vẫn tự tin bản thân là người có khả năng tự học tốt. Trong những năm ngồi trên ghế nhà trường, thành tích học tập của mình tuy không đến mức xuất sắc nhưng cũng đủ để mẹ lấy làm hãnh diện với các cô hàng xóm và họ hàng hai bên. Đến những năm ra đời đi làm, mình cũng thực tập và làm việc ở những công ty có tiếng với title nghe rất oách, nối dài chuỗi thành tích của một đứa “con nhà người ta”, những tiêu chí lớp chọn, trường chuyên, du học, công ty to, lương tốt, vv. – mình all-kill hết. Vậy là cái sự tự tin về khả năng học hành và sau này là khả năng tự học của mình càng được củng cố.
Vậy nhưng trong suốt quá trình đó, mình không nhìn thấy được yếu tố quan trọng đã góp phần tạo nên sự tự tin đó – môi trường. Mình bỏ qua việc có được người mẹ làm giáo viên và nhờ vậy được nghe đọc những câu chuyện cổ tích mỗi tối từ khi còn bập bẹ, được dạy đánh vần trước khi vào lớp 1 hẳn mấy năm, được tiếp xúc với những con chữ ngoằn nghoèo trong các bài tập làm văn mẹ chấm mỗi tối. Cứ như vậy, trong thời gian đi học và đi làm sau này, mình vẫn luôn có lợi thế rằng thời đại mình sinh ra, môi trường mình sống, gia đình mình ở luôn tạo điều kiện tốt nhất có thể cho việc học của mình; và chính vì luôn có sẵn lợi thế ở đó, mình không nhận ra rằng nó đã giúp cho con đường mình đi đến được ngày hôm nay dễ dàng hơn nhiều phần.
Cho đến khi mình đọc Educated. Tara hoàn toàn không có bất kỳ một lợi thế nào trong việc theo đuổi con đường học hành, thậm chí còn nhận sự phản đối, khinh miệt, tẩy chay từ gia đình khi bày tỏ mong muốn đó. Hơn nửa đầu cuốn sách là quãng mình thấy khó đọc nhất, vì nó hoàn toàn không cho thấy có một dấu hiệu gì là tình hình sẽ thay đổi và Tara có phần trăm nào tiếp cận được giáo dục. Ngày qua ngày Tara sẽ chỉ làm những công việc tay chân và nguy hiểm tính mạng, rồi bất cứ khi nào xuất hiện một kết nối dù nhỏ nhất với con chữ hay việc đi học thì nó đều sớm được dập tắt phũ phàng.
Nhưng chuyện không chỉ dừng lại ở việc đi học ở trường và được tiếp nhận các kiến thức giáo dục phổ thông. Trong câu chuyện cuộc đời của Tara nó còn đi sâu hơn vào nhận thức và tự giáo dục mình ở mức độ căn bản nhất: thường thức. Có người cha với niềm tin mãnh liệt rằng tận thế sắp đến và trao lòng tin tuyệt đối vào Chúa đến mức độ cực đoan đồng nghĩa với việc Tara đã trải qua vô số lần dằn vặt, day dứt và đau đớn để tiếp cận được thường thức mà một người bình thường coi là hiển nhiên. Chính những điều đó càng làm cho việc cô thành công tiếp cận được nền giáo dục phổ thông và thậm chí trở thành Tiến sĩ giống như một phép màu, một điều kỳ diệu do chính cô nỗ lực và can đảm tạo ra.
Song hành cùng quá trình Tara tiếp cận tri thức là quá trình cô tự học về điều quan trọng nhất đối với bản thân: gia đình. Mình có đọc được trong một bài viết trên Facebook, rằng mọi vấn đề ta gặp trong đời thực chất đều phản chiếu một vấn đề ta có với gia đình của mình. Với mình, và có thể với cả Tara, nhận định đó có nhiều phần đúng. Những suy nghĩ, quan điểm và định kiến vững chắc nhất của mỗi người thường sẽ được hình thành từ khi còn nhỏ, và trong quá trình trưởng thành sẽ có những lúc mình phải tự đặt câu hỏi rằng những gì trước giờ mình coi là đúng liệu có thực sự đúng không. Từ đó sẽ là chuỗi những lần học và loại bỏ những điều đã học nhưng không còn đúng (learn and unlearn), tiếp diễn liên tục không ngừng.
Khi được tiếp cận với những thường thức và văn minh của xã hội bên ngoài, Tara luôn có sự dằn vặt nhất định bởi những điều đó trái ngược hoàn toàn với những gì cô được chứng kiến, được răn dạy từ bé trong gia đình và đã trở thành một phần bản năng trong cô. Mindset luôn có thể thay đổi, nhưng sẽ là rất khó khi kéo nó về từ một phía cực đoan đã được đóng đinh trong đầu ta nhiều năm trời. Với Tara cũng vậy, thậm chí còn khó khăn hơn khi trên hành trình thoát khỏi mindset cực đoan và lạc hậu ấy gia đình vẫn luôn cố gắng kéo cô về lại với những lối suy nghĩ họ tin là đúng.
Vào thời khắc cha cho Tara một cơ hội cuối cùng để quay về với gia đình, với lối sống và mindset họ vẫn duy trì bao năm nay; cô nhận ra nếu gật đầu mình sẽ đánh mất lợi thế đã mất bao công sức có được: khả năng tiếp nhận và trải nghiệm những sự thật nguyên vẹn bởi chính suy nghĩ và tư duy của mình. Trong quá trình học (learn), Tara cũng đã đồng thời unlearn những điều không còn đúng với mình – những điều cha đã tin và dạy cô trong suốt thời gian qua. Vào lúc Tara nói không với lời đề nghị đó, cô giữ lại được bản thân và chính thức mất gia đình.
Đưa ra quyết định khiến gia đình quay lưng và rời xa mình chưa bao giờ là một điều dễ dàng. Nhiều người mình quen và chính bản thân mình cũng luôn có khoảng thời gian khó khăn bị giằng xé giữa việc làm điều đúng cho bản thân và trở thành sự thất vọng, đau khổ của gia đình. Có người học được cách buông bỏ và vượt qua, có người vẫn chưa thể dũng cảm đối mặt với quyết định đó. Nhưng có vẻ như nếu đủ can đảm một lần thì cuộc sống sẽ dễ thở hơn nhiều lắm. Như Tara, đến tận chương cuối cùng của cuốn sách cô cũng mới có thể chấp nhận buông bỏ mặc cảm tội lỗi với những quyết định của mình, đồng thời chấp nhận rằng, cuối cùng, cô đã vì cô chứ không phải vì cha hay bất kỳ một ai khác. Đây cũng là đoạn ấn tượng nhất với mình trong cuốn sách.
I accepted, finally, that I had made the decision for my own sake. Because of me, not because of him. Because I needed it, not because he deserved it.
Leave a Reply