Đầu tháng 12 mình có cơ hội tham gia buổi conference của UXVN – một cộng đồng được lập nên với mục đích chia sẻ và kết nối những con người yêu việc làm ra và mang đến những sản phẩm với trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Những gì mình học được trong suốt một ngày Chủ nhật đó thì nhiều lắm và dưới đây chỉ là 3 ý mình tâm đắc nhất đã kịp nguệch ngoạc vô cuốn notebook và muốn chia sẻ với mọi người. BTC hẹn sẽ gửi lại video record, đến lúc đó mình sẽ review lại và bổ sung thêm vào bài viết nếu thấy cần thiết và… không lười 😀
Note: Bài được viết dưới góc nhìn của mình là một người đang làm Product Manager. Trong bài sử dụng nhiều từ tiếng Anh xen lẫn do mình sử dụng các cụm từ quen thuộc trong ngành để diễn tả được tốt nhất ý muốn biểu đạt.
1. Đừng trở thành một người chỉ biết gật đầu (Don’t be a YES person)
… mà chưa thử làm rõ mong muốn, nhu cầu hay lý do đằng sau của những yêu cầu mình nhận được. Cá nhân mình thấy điều này đặc biệt quan trọng khi là một Product Manager, bởi đứng ở vị trí này đồng nghĩa với việc sẽ luôn nhận được các yêu cầu và đòi hỏi khác nhau về sản phẩm bạn phụ trách và nếu không có ý thức và khả năng phân tích câu hỏi ‘Vì sao’ đằng sau đó, bạn sẽ chẳng khác nào đang đẽo cày giữa đường.
Trong các bài chia sẻ cũng có một câu với quan điểm tương tự dành cho những người làm và tạo ra sản phẩm mà mình rất tâm đắc, vì nó vừa đúng vừa có chút châm biếm và thực tế:
Don’t be “CEO-centric”. Let’s start with user-centric and end with product-centric.
2. Điều gì quan trọng hơn cả việc thấu cảm với người dùng? (What is beyond user empathy?)
Hay như tiếp nối ý từ câu quote ở phần trên, vì sao khi bắt đầu ta tập trung vào nhu cầu và nỗi đau của người dùng nhưng khi hoàn thành một phiên bản sản phẩm để đưa ra thị trường thì lại cần product-centric?
Lý do là bởi trên cả việc thấu cảm với người dùng thì người làm sản phẩm còn cần có cả team compassion – dịch tạm là lòng trắc ẩn với đồng đội. Một sản phẩm nhiều khi (hoặc gần như mọi khi) sẽ không ở phiên bản hoàn hảo nhất khi được tung ra, mà là phiên bản phù hợp nhất tại thời điểm đó. Phù hợp về timeline, hệ thống kỹ thuật, nguồn lực thiết kế và ti tỉ những khía cạnh khác cần cân nhắc khi xây dựng sản phẩm đó – tương ứng với ngần ấy team và thành viên mà một Product Manager cần hợp tác dựa trên lòng trắc ẩn dành cho họ. Chúng ta cần thấu hiểu người dùng để bắt tay xây dựng một sản phẩm tốt, nhưng cần hơn thế là lòng trắc ẩn với những đồng đội của mình để đưa được phiên bản phù hợp nhất đến tay người dùng.
3. Ba câu hỏi cho mỗi ngày
- What will you do tomorrow?
- Do you have JOY in what you are doing?
- If no, who can help?
Khi diễn giả chia sẻ đến phần này, mình nhận ra thì ra không cần phải trăn trở những điều quá vĩ mô hay phức tạp, đôi khi mỗi ngày cứ tự hỏi bản thân ba câu hỏi trên là cũng phần nào giải quyết được vấn đề của mình rồi. Bởi lẽ,
- biết ngày mai mình sẽ làm gì
- biết mình có đang tận hưởng điều mình đang làm hay không
- biết nếu có điều không ổn thì ai có thể giúp đỡ mình
như vậy chẳng phải cuộc sống đã trở nên rõ ràng, có ý nghĩa và an tâm hơn phần nào rồi sao, dù cho bạn và mình đang làm nghề gì hay là ai trong xã hội.
Nếu đi sâu vào công việc của một Product Manager thì ba câu hỏi trên cũng bao quát được những câu hỏi chính mà mình cần tự vấn:
- Ngày mai sẽ làm gì: viết documents, họp với stakeholders, catchup với engineering, review bản design mới, vv.
- Mình có đang xây dựng và phát triển một sản phẩm mà mình tin vào giá trị nó sẽ mang lại cho người dùng không, sản phẩm đó có tương thích với hệ giá trị của bản thân không, mình có thích những việc mình cần làm để tạo ra sản phẩm đó không, vv.
- Nếu có vấn đề trong công việc: liệu sếp có thể giúp mình nhìn rõ hơn định hướng sản phẩm, team engineering giúp mình hiểu hơn về hệ thống vận hành bên dưới, bạn UX design giải thích cho mình vì sao cái nút đó lại đặt ở đây, vv.
Mình đã áp dụng việc liên tục hỏi bản thân ba câu hỏi này và nhờ vậy đã có cái nhìn rõ ràng hơn về con đường sắp tới mình muốn đi, và cũng nhờ thế đã đưa ra được quyết định dấn thân thay đổi khi những ngày cuối năm đã gần kề.
Mình để đường dẫn Facebook của UXVN để mọi người có thể follow và tham gia nhé. https://www.facebook.com/UXinVietnam
Leave a Reply