Bật khóc ở H Mart và nhớ mẹ

Mình chọn đọc Bật khóc ở H Mart vào đúng ngày 8/3. Mỗi khi dịp này đến gần mình lại thấy nhớ mẹ nhiều hơn, và với lời nhận xét rằng “Tất cả các bà mẹ và các cô con gái sẽ nhận ra chính mình – và nhận ra nhau – trong những trang sách này” mình đã quyết định dùng cuốn sách làm chất xúc tác để cái cảm giác nhớ thương ấy nó được đẩy lên một mức mà mình hy vọng sẽ giúp mình nhận ra hay có được một cái gì đó cụ thể, rõ ràng hơn. Mà kỳ vọng của mình có lẽ còn đến từ trước đó độ vài tuần, khi mình nhìn thấy cuốn sách trên giá của Fahasa và quyết định mua bản dịch về đọc thay vì bản nguyên tác Tiếng Anh trên Kindle bởi lúc đó mình nghĩ nếu đọc thấy hay thì lần tới về thăm nhà sẽ mang về đưa mẹ đọc thử.

Bật khóc ở H Mart là một tác phẩm hồi ký nhưng không hiểu sao trong suốt quá trình đọc mình cứ có cảm giác đây là một cuốn tiểu thuyết. Những phân đoạn kể lại hành trình đấu tranh với căn bệnh ung thư của mẹ tác giả trần trụi một cách đáng sợ và đôi lúc mình vô thức tưởng tượng nếu bản thân ở trong hoàn cảnh đó thì mình sẽ làm gì, tuy rằng hầu hết những lần đó bức tranh trong đầu chỉ dừng lại là những khoảng màu loang lổ bởi mình không dám cụ thể hóa hơn cái viễn cảnh tồi tệ nhất ấy.

Nhưng rồi sau mỗi lần như vậy mình lại được xoa dịu bởi những hồi ức của Michelle về khoảng thời gian mẹ còn khỏe, và trong những khung hình đó luôn là những món ăn đặc trưng của Hàn Quốc với cách chuẩn bị nguyên liệu, chế biến và thưởng thức được miêu tả đầy tỉ mỉ và sống động. Và thế là phút trước mình còn rưng rưng theo dõi câu chuyện chữa trị căn bệnh quái ác của gia đình nhỏ, phút sau đã thấy bản thân nuốt nước miệng cái ực và chiếc bụng như đói thêm một phần khi nghĩ đến những món Hàn hấp dẫn. Đúng là một trải nghiệm kỳ lạ và thú vị.

Đọc Bật khóc ở H Mart làm mình liên tưởng đến cuốn Hãy chăm sóc mẹ, một cuốn sách của tác giả Hàn Quốc cũng nói về mối quan hệ mẹ-con và những câu chuyện xung quanh đó, nhưng không rõ vì lý do gì mà câu chuyện của Michelle Zauner làm dậy lên trong mình những đợt sóng cảm xúc mạnh hơn hẳn. Mình ngấu nghiến từng trang sách, không phải vì tò mò liệu nó có một happy ending hay không mà vì càng đọc đúng là mình càng thấy bản thân trong đó và việc có một người đi trước trải qua sự mất mát kinh khủng như vậy là một lời thức tỉnh dành cho mình – yêu thương đừng đợi đến khi không còn bên nhau nữa.

“…các bà mẹ thường thể hiện tình thương dành cho chúng ta theo cách như vậy. Không phải bằng những lời chót lưỡi đầu môi, không phải bằng những lời yêu thương thường xuyên bày tỏ, bà chỉ tỉ mỉ quan sát và âm thầm ghi nhớ những điều khiến bạn vui, để săn sóc và mang đến sự thoải mái cho bạn mà thậm chí không hề nhận ra… Mẹ nhớ rõ món banchan nào bạn thường chén sạch trước tiên để lần sau gọi thêm một phần, bên cạnh nhiều món ăn ưa thích khác đã hình thành nên bạn, nên chính con người bạn.”

8/3 vừa qua mình đặt hoa ship đến cho mẹ, không có lời nhắn gửi thân thương nào ngoài mấy dòng tin nhắn Zalo bảo mẹ chú ý điện thoại để shipper giao hoa. Mình vốn không hay thể hiện tình cảm bằng lời nói, mà thực ra vì không biết cách là phần nhiều; và mình luôn tự nhủ sẽ bù đắp khuyết điểm đấy bằng hành động, bằng sự nỗ lực của bản thân để trở thành một đứa con gái giỏi giang, tự lập giống với hình mẫu mẹ luôn dạy từ nhỏ. Nhưng giờ khi đã sống xa nhà thì những gì mình có thể làm ngoài những dịp như thế này là những câu nhắn tin hỏi thăm hay gọi điện, và có lẽ mình cần bắt đầu cải thiện chính điều đó.

Ngồi viết những dòng này, mình chẳng thèm gì hơn là được về bên cạnh mẹ, ngồi nhìn mẹ tất bật trong khu bếp chuẩn bị những món tủ mà mẹ biết con gái sẽ chén sạch hay khi ngủ dậy mở cửa ra đã ngửi thấy mùi thức ăn thơm phức đi cùng tiếng mẹ giục mau đánh răng rửa mặt còn ăn cho đúng bữa. Đi xa để trở về có lẽ cũng có nghĩa là như vậy, và 8/3 có thể cũng là một dịp để những đứa con ngồi xuống nhìn lại xem mình đã bỏ lỡ những gì và còn bao nhiêu thời gian để chúng mình cho mẹ biết bà quan trọng và đặc biệt như thế nào.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

%d bloggers like this: