Là một người phụ nữ, kể cả khi chưa đọc sách thì tự bản thân mình cũng đã ý thức được những hạn chế hay rào cản đã, đang và sẽ tiếp tục gặp trong cuộc sống mà nguyên do của chúng đúc kết lại chỉ vì giới tính mình mang. Thế nhưng những điều đó mình được dạy là do văn hóa ngàn đời nay đã khiến cho việc trọng nam khinh nữ không thể thay đổi một sớm một chiều – nói ngắn gọn là đừng than vãn nữa và chấp nhận thực tại nó là như vậy đi. Lý do đó mình không phục.
Nếu loài người chứ chẳng riêng gì phụ nữ chỉ vì để duy trì và bảo tồn văn hóa ngàn đời trước thì đã chẳng có bất kỳ một đợt cách mạng hay cải tiến nào, và mãi mãi loài người vẫn chẳng thể tiến bộ và văn minh như ngày hôm nay. Vậy thì cớ gì mà những thứ khác chúng ta cải cách tiến bộ được còn việc trọng nam khinh nữ thì không? Mình cứ đau đáu với câu hỏi ấy cho đến khi mình đọc Phụ nữ vô hình, và đó là lúc mình nhận ra, à thì ra không phải không chịu cải cách thay đổi, mà từ ban đầu một nửa còn lại của thế giới còn chẳng thấy nó là vấn đề – nói cách khác thì phụ nữ và những vấn đề mang đặc điểm giới của họ trong mắt đàn ông là vô hình.
Xuyên suốt cuốn sách tác giả Caroline liên tục nhấn mạnh thực tại đáng buồn rằng bởi xã hội phần lớn được thiết kế và xây dựng bởi cánh đàn ông nên có rất nhiều vấn đề hay đặc tính trong xã hội đó trong mắt họ là bình thường và hợp lý nhưng lại trở nên bất tiện và nguy hiểm khi đối tượng là phụ nữ. Từ hệ thống giao thông, giải pháp quy hoạch nhà ở, chế độ nghỉ thai sản, thiết kế công viên, tiêu chuẩn an toàn khi làm việc, liều lượng phù hợp khi sử dụng thuốc, vv. tất cả đều được thiết kế và vận hành dựa trên việc coi những gì thuộc về nam giới là phổ quát và phụ nữ là những trường hợp không điển hình.
Từ đó dẫn đến việc khu nhà ở giãn dân vùng ngoại ô và hệ thống giao thông từ ngoại ô vào thành phố được thiết kế phù hợp hoàn hảo cho một người đàn ông với cung đường chính là đi từ nhà đến chỗ làm vào buổi sáng và từ chỗ làm về nhà vào buổi tối. Trong khi vợ của chính người đàn ông đó sẽ gặp bất tiện với việc khó khăn khi di chuyển từ nhà đến trường mẫu giáo của con, từ đó đến chỗ làm, từ chỗ làm ghé qua chợ, từ chợ quay ngược về trường mẫu giáo đón con, và từ đó mới về nhà. Cung đường trong một ngày của phụ nữ so với đàn ông là phức tạp hơn rất nhiều – đơn giản vì phụ nữ phần lớn chịu trách nhiệm chăm sóc gia đình, nhưng khi thiết kế mạng lưới giao thông và các khu nhà ở thì những đặc điểm đó lại gần như không được tính đến.
Việc bao gồm phụ nữ vào trong các nghiên cứu và kế hoạch không phải bất khả thi, và nó cũng được chứng minh rằng điều đó thậm chí còn mang lại nhiều lợi ích về cả mặt kinh tế lẫn chỉ số hạnh phúc của cả hai giới. Vậy thì tại sao vẫn gần như không ai làm? Đặt sang một bên những lời ngụy biện về việc chi phí tốn kém và sự tự cao không muốn thừa nhận thiếu sót của một bộ phận đàn ông thì như tác giả đã chỉ ra rằng “đơn thuần vì tâm lý con người có một đặc trưng – là luôn cho rằng trải nghiệm của riêng mình phản ánh trải nghiệm của toàn bộ nhân loại nói chung” và vì thế mà “ngay cả những người đàn ông tốt bụng và xuất sắc nhất cũng không thể biết được cảm giác phải sống trong thế giới này với một cơ thể mà không ít người coi như một cửa hàng trò chơi điện tử, ai muốn bày trò gì cũng được.”
Vậy nên mình nghĩ bên cạnh việc hy vọng và chờ đợi cánh đàn ông nhận ra điểm mù của họ thì đồng thời phụ nữ cũng cần nâng cao nhận thức của chính bản thân về những bất bình đẳng họ đang phải chịu và học cách lên tiếng cũng như gia tăng sức ảnh hưởng lên những quyết định mà ảnh hưởng của nó bao gồm cả hai giới. Việc này không hề dễ dàng, một phần vì từ rất lâu rồi chúng ta được dạy để tin rằng mình ít giá trị hơn đàn ông và những công việc không tên chúng ta làm mỗi ngày là không có giá trị chỉ vì chúng không được trả lương và tính thuế, và phụ nữ đã chịu đựng quá lâu đến mức dần chấp nhận những điều đó là bình thường. Và đến khi chúng ta có đủ nhận thức thì khi ra ngoài xã hội chúng ta vẫn nhận những đánh giá khắt khe và mang định kiến giới khiến chúng ta dễ nản lòng, đơn cử như việc hiện tại quyền lực xã hội của phụ nữ vẫn đang mâu thuẫn với quyền lực trong công việc (nếu một phụ nữ muốn được nhìn nhận là có năng lực thì cô ấy phải từ bỏ việc được coi như một người ấm áp).
Nhưng việc khó không có nghĩa là bất khả thi, bởi vì những vấn nạn kia xảy ra “không phải vì giới tính mà là vì giới: vì những ý nghĩa xã hội mà chúng ta đã áp đặt lên cơ thể nam và nữ.” Vậy nên những bất bình đẳng đang tồn tại trong cuộc sống của phụ nữ có thể được cải thiện, với bước đầu tiên là luôn nghiên cứu và bao gồm cả hai giới vào bất kỳ một thiết kế hay kế hoạch nào. Việc này có thể mất hàng chục hay hàng trăm năm, nhưng mình tin nó sẽ tốt lên mỗi ngày một chút khi có sự chủ động và cố gắng thay đổi đến từ cả hai phía.
Chấp nhận điều kiện sống như hiện tại – thuận theo chế độ gia trưởng sẽ mang về những lợi ích cá nhân ngắn hạn cho một phụ nữ, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc phải chấp nhận sống một đời thừa. Mình thì lại muốn sống một đời mà mỗi ngày đều đáng giá.
–
Photo by Ehimetalor Akhere Unuabona on Unsplash
Leave a Reply